Trung Quốc Hoàng nữ

Thời kỳ Tiên Tần đến Lưỡng Hán

Từ thời Tiên Tần, con gái của Chu Thiên tử được gọi là Vương cơ (王姬). Con gái của chư hầu phần nhiều được gọi theo danh xưng Nữ công tử, được gọi theo tên thật hoặc danh hiệu, sang thời Chiến Quốc lại có khái niệm Quân chúa (君主).

Từ đời nhà Hán, các vị Vua xưng Hoàng đế, do đó con gái xưng Hoàng nữ. Trước mắt bỏ qua trường hợp còn nghi vấn là Lỗ Nguyên công chúa, thì Lưu Phiêu là Hoàng nữ đầu tiên được ghi nhận đầy đủ trong lịch sử, bà được cha là Hán Văn Đế gia phong tước hiệu Trưởng công chúa, phong ấp là huyện Quán Đào, từ đây tạo thành tiền lệ Hoàng nữ gia phong tước hiệu Công chúa[1]. Cũng giống các Hoàng tử, các vị Hoàng nữ sẽ được chia đất đai, nhưng bởi vì quan niệm ở các xứ chuộng nối dõi Tông đường và tổ tiên, việc gia phong cho các vị Hoàng nữ cũng không rình rang được như các Hoàng tử - những người có trách nhiệm "Duy trì Tiểu tông" cho hoàng thất. Quan điểm đó là một trong những thứ khiến địa vị Hoàng nữ của các quốc gia Đông Á khác với đại đa số nơi khác, rằng「Nữ giới không có vai trò duy trì dòng dõi bổn tộc」. Nói một cách đơn giản, con gái sẽ gả đi cho nhà chồng, phụ nữ trong xã hội Đông Á được nhìn nhận là "Mang giống nòi" chứ không phải "Tạo ra giống nòi" như nam giới, cho nên ở một gia đình Đông Á mới duy trì quan niệm con trai đảm nhiệm kế thừa hương khói cho tổ tiên, tuyệt nhiên không có ý tưởng giao chuyện này cho con gái. Theo đó, ngoại trừ "của hồi môn" do nhà ngoại chuẩn bị trước khi gả đi, bản thân những người con gái và hậu duệ của họ không hề liên quan gì quyền thừa kế trong gia đình họ ngoại, đây cũng là lý do Hoàng nữ / Vương nữ của các triều Đông Á lẫn hậu duệ đại đa số không có khả năng kế vị theo phép lễ, mà những người có thể kế vị đều ở trong tình trạng hết sức đặc biệt.

Ngay như Hậu Hán thư ghi lại, Hoàng nữ có địa vị cao - thường là con gái cả của Hoàng hậu hoặc chị cả của Hoàng đế - sẽ được gia phong tước hiệu Trưởng công chúa và nghi tiết đều ngang Chư hầu Vương; còn tất cả Hoàng nữ khác gia phong tước hiệu Công chúa, địa vị chỉ ngang với các Liệt hầu quý tộc. Bởi vì đất phong của họ đều là huyện, nên cũng có danh xưng 「"Huyện công chúa"」[2]. Con gái các Chư hầu Vương, tức cháu gái của Hoàng đế, bắt đầu từ đời Hán đã chủ trương gọi trực tiếp theo vai vế người cha, ở đây họ là con gái Hoàng tử Chư hầu Vương cho nên được gọi là Vương nữ, hoặc Tông thất nữ (宗室女), đều cho thụ phong tước hiệu là Ông chúa. Căn cứ theo Nhan Sư Cổ chú thích trong bản in Hán thư -"Cao Đế kỷ" thời Đường, Vương nữ thời Hán được gọi Ông chúa là do:「“Thiên tử khi gả con không làm chủ hôn mà do Tam công chủ hôn, nên mới gọi Công chủ (chúa). Vương nữ là do cha làm chủ, nên xưng Ông chủ. Ông (翁), tức là cha vậy”」. Các cháu gái dòng Đích hệ, tức con gái của Hoàng thái tử, trước mắt cũng như các "Hoàng tôn" hay "Hoàng tằng tôn" là nam duệ của Thái tử, đều có danh xưng Hoàng nữ tôn (皇女孫)[3]. Ngoài ra, vì để thực hiện chính sách Hòa thân mà rất nhiều Ông chúa đặc cách gia phong "Công chúa" và gả đi làm Vương phi cho các Thiền vu hoặc Bộ vương khác[4], nổi tiếng có Lưu Tế Quân.

Thời nhà Tân, Vương Mãng vì muốn khác biệt đã đặt ra các danh hiệu Thất chúa (室主) hay Nhiệm (任). Sau khi Đông Hán diệt Mãng, các danh hiệu này bị bãi bỏ nên cũng bị quên lãng. Triều Đông Hán phân định tước hiệu Công chúa đều phong cho các Hoàng nữ lẫn Vương nữ, trong đó lại tùy thân phận mà khác biệt. Theo Hậu Hán thư tổng kết thì ta có trình tự như sau[5]:

  • Trưởng công chúa (長公主), dành cho người tôn quý. Nghi lễ cùng Y phục các Trưởng công chúa đều ngang Chư hầu tước Vương.
  • Huyện công chúa (縣公主), dành cho Hoàng nữ, lấy huyện làm đất phong, lễ nghi y phục đều ngang các Liệt hầu. Con trai của các Hoàng nữ phong Huyện công chúa có thể tập phong Liệt hầu, có thể truyền đất phong cho dòng dõi sau.
  • Hương công chúa (鄉公主) và Đình công chúa (亭公主): dành cho các Vương nữ, nghi lễ theo thứ tự ngang Hương hầu và Đình hầu.
Bích họa phụ nữ tầng lớp trên trong một ngôi mộ thời Đông Hán.

Trong đó, 「“Trưởng công chúa dành cho người tôn quý”」 thường là nói đến con gái cả (Trưởng nữ; 長女) hoặc con gái cả do Hoàng hậu sinh ra (Đích trưởng nữ; 嫡長女), điều này là Đông Hán dựa theo chế độ cũ thời Tây Hán. Ví dụ, Quán Đào công chúa Lưu Phiêu chính là "Đích trưởng nữ" của Hán Văn Đế, Vệ Trưởng công chúa là "Đích trưởng nữ" của Vũ Đế, nên đều là Trưởng công chúa trong thời đại của cha mình. Lại có trường hợp của Ngạc Ấp công chúa là chị của Hán Chiêu Đế, do có vai trò nuôi dưỡng Chiêu Đế nên cũng đặc biệt được thụ phong làm Trưởng công chúa. Nhìn chung, “người tôn quý” trong các Hoàng nữ đều phải có địa vị ảnh hưởng lên cá nhân Hoàng đế. Các tước vị “Hương công chúa" cùng "Đình công chúa” có lẽ là những biến đổi chỉ có đời Đông Hán. Nếu đặc biệt sủng ái, sách Hậu Hán thư chỉ ra cũng có thể vượt phong, như Hán Chương Đế đã phong con gái của Đông Bình Hiến vương Lưu Thương cùng Lang Tà Hiếu vương Lưu Kinh làm Huyện công chúa ngang với các Hoàng nữ. Về sau, Hán An Đế cùng Hán Hoàn Đế đều là Tông thất được nhập Tự kế thừa Đại tông triều Hán, sau khi gia tôn cha mẹ làm Hoàng làm Hậu, các ông cũng nghĩ chuyện gia phong các chị em gái cho ngang hàng với các Hoàng nữ để tỏ rõ vị thế, vì vậy đều phong các em gái làm Trưởng công chúa. Cũng từ đây, hễ là chị em gái Hoàng đế đều phong làm “Trưởng công chúa”, các triều đại về sau cũng dần theo như vậy mà chuyển khái niệm tước hiệu Trưởng công chúa dành cho chị em gái Hoàng đế.

Tước hiệu và cách gọi Hoàng nữ Vương nữ thời Hán cũng không có quy luật nhất định. Ngoại trừ “Trưởng công chúa” là vinh hiệu đặc thù, trước mắt có biết 3 cách thức để gọi huy hiệu của một Hoàng nữ Vương nữ thời Hán:

  • Tên huyện ấp: thời nhà Hán có chế định lấy quận huyện thành Tiểu quốc để làm đất phong (tức là Thang mộc ấp 湯沐邑), gọi chính thức là 「Quốc; 國」[6][7]. Đây không chỉ là tiêu chuẩn dành cho Hoàng tử Vương mà còn là Hoàng nữ Công chúa cùng các quý tộc được phong hàng Liệt hầu, chỉ là quy mô bất đồng. Trưởng công chúa Lưu Phiêu được ban thực ấp là huyện Quán Đào, nên gọi 「"Quán Đào công chúa"」.
  • Lấy tên tước của chồng: việc này chủ yếu thấy vào thời Tây Hán, cụ thể là Bình Dương công chúa - chị của Vũ Đế và là vợ kế của Vệ Thanh. Trước khi kết hôn, bà có phong hiệu 「"Dương Tín công chúa"」, lấy huyện Dương Tín làm thực ấp. Sau khi gả cho Tào Thọ, bà được đổi gọi thành 「Bình Dương công chúa; 平陽公主」, bởi vì Tào Thọ được tập tước Bình Dương hầu.
  • Lấy họ của mẹ: cách thức này được chứng minh qua “Nhị niên luật lệnh” cùng trường hợp của Quán Đào công chúa Lưu Phiêu. Theo như Luật lệnh, mục “Trật luật” có đề cập:「”Lý công chúa, Thân Đồ công chúa, Vinh công chúa, Phó 【công】 chúa gia thừa trật các Tam bạch thạch”; 李公主,申徒公主,榮公主,傅【公】主傢丞秩各三百石」. Khi phát hiện tài liệu này, nhận thức “theo họ mẹ” vẫn chưa được hình thành, có tranh luận các vị ấy là người họ khác được phong “Công chúa” mà thôi, thế nhưng trường hợp của Lưu Phiêu lại củng có khái niệm phong hiệu theo họ mẹ này. Trong cả Sử ký lẫn Hán thư, Lưu Phiêu hay được gọi bằng danh xưng “Trưởng công chúa”, nhưng phần Liệt truyện về Đông Phương Sóc đã chỉ ra Quán Đào từng được biết đến là 「Đậu Thái chúa; 竇太主」 dưới thời cháu trai Hán Vũ Đế, điều này cộng thêm thông tin của "Luật lệnh", càng chứng minh vào thời Hán việc dùng họ mẹ để gọi các Hoàng nữ rất phổ biến và như một thói quen. Trường hợp này áp dụng cho cả các Vương nữ, như sách Thông điển thời Đường có bàn:「”Các Vương nữ đời Hán cũng được xưng gọi là Ông chúa, Hán thư gọi chị của Tề Lệ vương là Kỷ ông chúa, đây là do Ông chúa được Kỷ thị sinh, nên lấy làm hiệu”; 漢諸王女亦謂之翁主。漢書謂齊厲王姊為紀翁主,以紀氏所生,因以為號」.

Bởi vì chế độ quân chủ đem "Quân quyền"[Chú 1] chỉ sau trời đất, cộng thêm khái niệm 「"Thiên (天), Địa (地), Quân (君), Thân (亲), Sư (师)"」 sau khi Nho giáo hưng thịnh, thân phận Hoàng nữ cùng Vương nữ đã được thiết đặt là vượt trội hơn đại đa số nữ giới của xã hội Đông Á, có thể ngang vai vế hoặc ở trên chồng của họ, một thứ không thường xuất hiện trong lễ giáo Nho Khổng.

Mặc dù không có trách nhiệm "Khai chi tán diệp" tạo nhánh Tiểu tông cho hoàng gia, nên hoàng gia không cần thiết trí quá nhiều tài sản riêng của Hoàng nữ, thế nhưng các Hoàng nữ hoặc Vương nữ khi gia phong tước hiệu "Công chúa" cũng đều có đất phong theo quy chuẩn, có phủ đệ và quan viên trực thuộc y hệt các Hoàng tử thụ phong Chư hầu Vương, chỉ là quy mô nhỏ hơn rất nhiều. Từ đời Đông Hán, mỗi phủ đệ của các Hoàng nữ Vương nữ tước Công chúa đều có quan viên Chưởng quản gọi là "Gia lệnh" trật 600 thạch, Phó quản gọi là "Gia thừa" trật 300 thạch, so với mức lương quan viên trên 1.000 thạch của các Hoàng tử Chư hầu Vương thì kém xa[8][Chú 2]. Đất phong cấp "Quốc" của họ cũng có quan viên, sau khi mất cũng có thể do con trai kế thừa không chỉ là về đất đai mà còn là thế tập tước vị Liệt hầu. Nếu như vị Công chúa mất mà không có con trai, triều đình sẽ phái 1 quan chức "Gia phó" đến giữ phủ đệ và tài sản của Công chúa, có thể thấy rõ gia tài của Công chúa và người chồng căn bản là riêng biệt[9].

Và cũng vì đặc quyền theo chế độ "Quân quyền", các Hoàng nữ từ đời Hán đã tự xem ưu việt hơn người chồng. Chị gái của Vũ Đế là Bình Dương công chúa, trước khi chịu tái hôn với Vệ Thanh đã từng nói quan viên bên cạnh mình rằng:「"Người đó vốn từ trong phủ ta, còn từng cưỡi xe ngựa theo ta ra khỏi cửa, nay lại có thể làm phu quân ta sao?"」[10][11]. Đây cũng là lý do khiến việc Hoàng nữ gả đi gọi là Thích (適), về sau là Hạ giá (下嫁), mà việc cưới Hoàng nữ của các Quốc tể được gọi là Thượng (尚), từ đó sản sinh ra cụm từ 「Thượng chúa; 尚主」 mô tả việc "Cung nghênh Hoàng nữ Công chúa" trong xã hội xưa.

Trải qua Tào Ngụy đến Đường-Tống

Thời Tào Ngụy án theo triều Đông Hán, đãi Hoàng nữ đều bằng tước phong Công chúa, cũng từ triều Tào Ngụy bắt đầu có danh xưng Quận công chúa (郡公主), tức "Công chúa có đất phong cấp quận", đây cũng tiền đề của danh hiệu Quận chúa. Thời Đông Ngô, có hiện tượng Hoàng nữ dùng họ chồng làm hiệu, như con gái cả của Tôn QuyềnTôn Lỗ Ban gả cho Toàn Tông nên được gọi thành 「"Toàn công chúa"」. Triều Tây Tấn thành lập, có lệ phong Hoàng nữ làm "Quận công chúa", mà Tông thất nữ, tức con gái các Thân vương đều phong Huyện chúa[12].

Cũng từ đây, khái niệm 「"Quận chúa"」 cùng 「"Huyện chúa"」 dần xuất hiện, về sau trở thành hai tước phong chuyên dành cho Hoàng tộc Vương nữ nói riêng lẫn Tông thất nữ nói chung. Theo đó, tước hiệu "Huyện chúa" tuy xuất phát từ danh xưng "Huyện công chúa" dành cho Hoàng nữ đời Hán, nhưng khi các triều Tây Tấn về sau sử dụng phong cho Vương nữ đã dần dần bỏ đi kiểu xưng hô "Huyện công chúa" mà chỉ là "Huyện chúa" mà thôi[13]. Tuy nhiên, vì đủ loại nguyên nhân, trong đó có việc đặc ân cho các Thân vương, mà cũng có trường hợp "Huyện công chúa" được giữ nguyên[14][15]. Đến thời nhà Đường, nhà Tống, nhà Nguyênnhà Minh, càng về sau tuy có nhiều biên chế thay đổi song việc các Hoàng nữ được phong "Công chúa" được gìn giữ qua nhiều điển chế. Riêng nhà Tống vào thời Tống Huy Tông từng dựa theo cách gọi "Vương cơ" dành cho con gái Thiên tử thời nhà Chu, đổi phong Hoàng nữ làm Đế cơ (帝姬)[16]. Về sau do Tống Cao Tông thấy chữ "Cơ" đồng âm với từ có nghĩa kém may mắn vì nhà Tống vừa trải qua Sự biến Tĩnh Khang cho nên bỏ đi. Tước hiệu "Công chúa" từ đó được duy trì là một tôn hiệu đặc thù của các Hoàng nữ, và điều này chỉ kết thúc khi nền quân chủ sụp đổ.

Thời kỳ nhà Đường đánh dấu sự cố định phong tước hiệu dành cho Hoàng nữ và Tông nữ nói chung. Căn cứ hai sách Đường thư cùng sách Thông điển, Hoàng nữ cùng Tông nữ được xem là những người đứng đầu nhóm Mệnh phụ ở ngoài cung được gọi là Ngoại mệnh phụ (外命婦). Theo đó thì:

  • Hoàng cô phong Đại Trưởng công chúa (大長公主);
  • Hoàng tỷ muội phong Trưởng công chúa (長公主);
  • Hoàng nữ phong Công chúa (公主), trở lên đều trật Chính nhất phẩm;
  • Con gái Hoàng thái tử phong Quận chúa (郡主), trật Tòng nhất phẩm;
  • Con gái tất cả tước Vương phong Huyện chúa (縣主), trật Chính nhị phẩm;

Ở thời Đường, danh xưng “Quận chúa” không được suy ra là “Quận công chúa” nữa, bởi vì “Công chúa” đã trở thành tước hiệu chuyên dụng cho Hoàng nữ, tương tự “Huyện chúa” vốn là rút gọn của “Huyện công chúa” nay trở thành tước hiệu độc lập, thường dành cho con gái của Thân vương. Tuy triều Đường về cơ bản có định rõ thân phận nhận tước hiệu, nhưng suy cho cùng tất cả đều cũng chỉ là "tước hiệu" nên cũng có hiện tượng người thụ phong "Công chúa" lại không phải Hoàng nữ, ví dụ có Tông thất nữ như Văn Thành công chúa, hoặc con gái Công chúa như Nghi Phương công chúa.

Tranh vẽ Nhạc Xương công chúa.

Đãi ngộ các Hoàng nữ Công chúa từ đời Hán đã vốn kém hơn Phiên vương, cho nên trái với việc thay đổi lên xuống lớn lao về đất phong và binh quyền các Phiên vương, các Hoàng nữ Công chúa qua các đời vẫn chỉ ung dung hưởng số lượng "Thực ấp" mà mình được quy định. Khác biệt ở chỗ, vào đời Hán thì các bà vẫn có thể tự quy định số thuế trên đất của mình tương tự các Phiên vương, nhưng dần về sau do chủ trương triệt giảm thực quyền của Phiên vương, các bà cũng đã không còn quyền lợi này nữa. Cũng như tiêu chuẩn đối đãi thời Hán, các Hoàng nữ Công chúa đời Đường bình thường đều phải kém hơn các Hoàng tử Vương, chỉ có thể phong thực ấp được 300 hộ, còn chưa tới 1 nửa nếu so với con số 800 hộ trung bình của Thân vương. Dẫu có những người được hưởng ân đặc cách, thì cũng chỉ thêm được 50 hộ, Trưởng công chúa có thể lên 600 hộ, trong khi đó các Hoàng tử Thân vương lại có thể thẳng lên 1.000 hộ[17][18]. Mãi đến triều Đường Huyền Tông, sửa đổi cho các Trưởng công chúa lên được 2.000 hộ, Hoàng muội chưa phong tước được 1.000 hộ; thế nhưng các Hoàng tử được phong tước Vương vẫn dễ dàng có được 2.000 hộ, trong khi Hoàng nữ thụ phong Công chúa giảm đi 1 nửa, tức 1.000 hộ y hệt các Hoàng muội[19], quan viên quản lý Điền trang giữa Vương và Công chúa cũng có chênh lệch[20].

Quy chuẩn đãi ngộ 「Hoàng nữ luôn kém hơn Hoàng tử」 được duy trì ở thời Hán, qua thời Đường càng được củng cố và vĩnh viễn không thay đổi về sau. Thời Lưu Tống có trường hợp Hoàng nữ Lưu Sở Ngọc ban đầu phong "Sơn Âm công chúa" với thực ấp là huyện Sơn Âm. Tuy chính sử không ghi chép cụ thể đãi chế dành cho Hoàng nữ Công chúa thời Lưu Tống cơ bản ra sao, nhưng Lưu Sở Ngọc sau được em trai thụ phong "Hội Kê quận Trưởng công chúa", nghi phục cùng phẩm trật mới được quy định như Quận vương hầu, thực ấp lên 2.000 hộ[21]. Trong lịch sử triều Đường, người có thể phá vỡ truyền thống rất ít, nổi tiếng nhất có Thái Bình công chúa, sau có An Lạc công chúa. Trong đó Thái Bình công chúa vì có công lao giúp rập Đường Trung Tông cùng Đường Duệ Tông mà số lượng thực ấp vượt chạm đến Vạn hộ[22], mà An Lạc công chúa vì được Trung Tông yêu quý mà vượt lên chị mình Trường Ninh công chúa để có số thực ấp lên đến 3.000 hộ[23].. Vào thời Đường, cũng có lệ 「"Chi gần Hoàng đế được ưu tiên"」, các Hoàng huynh đệ và Hoàng tỷ muội của Hoàng đế đều dưới Hoàng tử Hoàng nữ, khi gặp Hoàng tử Hoàng nữ đều phải bái kiến[24]. Con trai của các Hoàng nữ Công chúa không còn đặc quyền thế tập đất và tước vị như đời Hán, việc phong quan tiến chức đều dựa vào công trạng cho nên đãi ngộ bất đồng. Ví dụ như ba con trai của Thái Bình công chúa vì công lao bản thân, cộng thêm công lao từ mẹ mà có thể phong quan hàm Tam phẩm, về sau còn phong Vương; mà người con trai cả Quách Chiêu của Thăng Bình công chúa vì cống hiến vừa phải, không có công lao gì vượt trội mà chỉ làm quan trong Thái thường tự, sau nhân là anh cả của Quách Quý phi mà thụ phong Tiết độ sứ. Đãi ngộ này dành cho con cháu của Công chúa tiếp tục được các triều đại sau án theo.

Việc chọn danh hiệu cho tước hiệu Công chúa cũng có biến chuyển lớn vào thời Đường. Căn cứ sách Thông điển ghi lại, phong các tước Công chúa tắc dùng Quốc hiệu, Quận chúa là Quận hiệu mà Huyện chúa là Huyện hiệu vậy[25]. Như vậy cơ sở phong tước hiệu của Công chúa từ đời Đường đã là dùng tên các Tiểu quốc cổ đại làm phong hiệu mà không còn chỉ là tên quận huyện như các đời trước. Tuy nhiên, từ Đường Cao Tổ đến Đường Duệ Tông, đại đa số tên hiệu của Công chúa lại vẫn dùng quận hoặc huyện, bên cạnh đó còn có thói quen dùng chữ đẹp ("Mỹ tự"; 美字) để đặt tên tước Công chúa, như trường hợp của Văn Thành công chúa cùng Thái Bình công chúa đều là mỹ tự mà không phải tên quận huyện. Đặc biệt Thái Bình công chúa dưới thời Duệ Tông, vì để gia tăng quyền uy, được phong tặng thêm hai chữ Trấn Quốc (鎮國).

Thực chất việc dùng Quốc hiệu để phong cho Công chúa thì Tùy Văn Đế lại là người đầu tiên, khi ông có một cô con gái được phong là 「Tương Quốc công chúa; 襄國公主」. Thời Đường, trường hợp đầu tiên dùng thành tố “xx Quốc” để phong Công chúa là 「Đại Quốc công chúa; 代國公主」, con gái của Đường Duệ Tông, được lấy tên nước Đại cũ thời Xuân Thu gia phong. Sau đó rất nhiều con gái của Duệ Tông cũng được phong, như Tức Quốc công chúa, Lương Quốc công chúa, Tiết Quốc công chúa,... Việc gia phong thành “xx Quốc” được quy định cao hơn phong hiệu khác. Sách Cựu Đường thư có nói qua trường hợp truy phong tước hiệu cho Đồng Xương Công chúa như sau:「”Kỷ Dậu, Đồng Xương công chúa hoăng, truy phong Vệ Quốc công chúa, thụy là Văn Ý”」[Chú 3], như vậy có thể thấy vào Trung kỳ triều Đường về sau đã xem việc dùng Quốc hiệu trong phong hiệu của "Công chúa" sẽ có vị thế hơn phong hiệu cấp quận lẫn mỹ tự. Cuốn Thông điển được soạn thời Vãn Đường, có lẽ do đã trải qua nhiều năm phong tục chỉnh sửa từ đời Duệ Tông đến thời điểm biên soạn sách cho nên mới có kết luận tóm lược 「"Công chúa đều phong Quốc hiệu"」 như trên.

Vào thời Tống, ngoài việc bắt đầu phong “Quận chúa” cho con gái Thân vương, thì hệ thống tước hiệu còn lại cơ bản là giống đời Đường. Cũng vì triều Tống khuếch trương lý thuyết Nho Khổng lên cực điểm, đồng thời nhận thấy nếu để các Hoàng nữ Công chúa có "Thực ấp" như các triều Đường về trước, có nghĩa sẽ khiến họ có cơ sở cậy mình lấn át nhà chồng, thậm chí tham gia chính trị, cho nên các triều Hoàng đế nhà Tống dù thương yêu con gái hay kính trọng cô chị như thế nào cũng phải đưa ra quyết định kiềm hãm họ. Về phương diện kinh tế, Hoàng nữ Công chúa không còn "Thực ấp" mà được áp dụng chế độ lương tháng gọi là 「Nguyệt bổng; 月棒」, bao gồm quan tiền, gạo và nhu yếu phẩm theo tháng được quy định ở từng mức hạng mục khác nhau. Trong đó tiền lương được tính theo xâu tiền gọi là "Quan'" (貫), cứ 1.000 đơn vị tiền là 1 đơn vị quan[Chú 4], các Hoàng nữ Công chúa thời Sơ kỳ triều Tống có người được 1.000 quan mỗi tháng. Kể từ sau khi cân nhắc, thời Tống Nhân Tông trở đi định cơ bản khi các Hoàng nữ còn ở trong cung thì cứ mỗi tháng là 5 quan[26], sau khi xuất giá mới có thể tăng lên[27]. Bên cạnh đó khác với hầu hết các triều đại (kể cả Minh-Thanh về sau), nơi ở của Công chúa triều Tống lại không phải là "Phủ đệ" mà chỉ là Trạch(宅)[28][Chú 5]. Về phong hiệu, cách dùng "Quốc hiệu" dành cho Hoàng nữ thời Tống trở nên cực kỳ phổ biến, từ thời Tống Nhân Tông trở đi thì đây trở thành một dạng biểu hiện sự trưởng thành của Hoàng nữ sau khi xuất giá. Việc gia phong tước hiệu của Hoàng nữ thời Tống tuy có cầu kỳ hơn các triều trước và sau này, nhưng so với các Hoàng tử Vương công thì việc gia phong các Hoàng nữ Công chúa vẫn còn đơn giản hơn nhiều. Khi còn nhỏ và ở trong cung, các Hoàng nữ sẽ thụ phong tước hiệu "Công chúa" kèm mỹ hiệu, khi gả đi thì đổi thành Quốc hiệu. Tương tự quy định "Tam đẳng Quốc hiệu" dành cho các Hoàng tử, giữa các Quốc hiệu cũng phân cao thấp, thậm chí có hiện tượng gia tặng hai tên Quốc hiệu, là cấp bậc Lưỡng Quốc Đại Trưởng công chúa (兩國大長公主). Lấy ví dụ Phúc Khang công chúa của Tống Nhân Tông, ban đầu bà có huy hiệu "Phúc Khang" (福康), năm Gia Hựu thứ 2 vì gả cho Lý Vĩ mà đổi thành "Duyện Quốc" (袞國). Về sau, vì nửa đêm gây náo loạn Hoàng Thành môn nên bị nghị tội, phong hiệu bị giáng thành "Nghi Quốc" (沂國). Năm thứ 7, tiến phong "Kỳ Quốc" (岐國). Thời Tống Anh Tông, gia phong lên bậc Trưởng công chúa, hiệu là "Việt Quốc" (越國). Thời Tống Thần Tông, bà được tôn làm bậc Đại Trưởng công chúa, hiệu là "Sở Quốc" (楚國), sau khi qua đời thì bà được cải phong hiệu thành "Tần Quốc" (秦國). Đến thời Tống Huy Tông, bà được truy phong lên bậc Lưỡng Quốc Đại Trưởng công chúa, đổi thành 「Chu Trần Quốc Đại Trưởng công chúa; 周陳國大長公主」.

Các triều đại của dân tộc du mục như Hung NôĐột Quyết cũng không xem trọng những người con gái Vua bằng những người con trai, ghi chép lại về họ cũng là người con trai kế vị hoặc là con trai thứ, hầu như rất ít khi ghi chép các người con gái. Tuy một số ít phụ nữ du mục có thế lực đáng kể và được ghi chép lại, nhưng họ đều là dựa vào chồng con của mình. Và cũng như các phụ nữ trong thế giới Nho Khổng, họ và hậu duệ của họ không có quyền kế vị với tư cách Vua chúa cho gia tộc mình mà chỉ có quyền đối với nhà chồng. Người Hung Nô có cách gọi 「Cư Thứ; 居次」 dành cho con gái Thiền vu, tương ứng "Công chúa" hoặc "Hoàng nữ" trong xưng hô của họ, mà thành tố đi trước là tên thật, hoặc biệt hiệu hoặc tên của người chồng. Căn cứ theo hai con gái của Vương Chiêu Quân, con gái đầu Tu Bốc Cư Thứ do kết hôn với Tu Bốc Đương nên mới dùng "Tu Bốc" như một phong hiệu. Hai triều đại của người Khiết Đan cùng Nữ Chân là nhà Liêunhà Kim tuy vẫn còn dùng ngôn ngữ và thói tục bản tộc, nhưng đều sớm học chế độ theo lề lối Trung Hoa mà cụ thể ở đây là đời Tống. Triều đình Liêu xuất hiện việc phong Hoàng nữ ngoài “Công chúa” thì còn dùng cả “Quận chúa” và “Huyện chúa”, nhìn chung quy tắc còn khá hỗn loạn. Triều đại nhà Nguyên của người Mông Cổ, ngoại trừ việc có dùng mỹ tự chữ Hán cùng tên Quốc hiệu như các triều đại trước, thì còn xuất hiện các tên các tước hiệu theo dạng chữ Hán dược phiên âm từ Mông Cổ ngữ như 「Đái Lỗ Hãn công chúa; 帶魯罕公主」, hơn nữa đều có tính truyền vị. Đây là bởi vì bất kể Hoàng nữ hay Vương nữ, họ cũng đều được thụ phong tước Công chúa. Đa phần Công chúa triều Nguyên đều có tên riêng, là phiên âm chữ Hán của ngôn ngữ Mông Cổ, nên trong Nguyên sử họ được ghi theo dạng 「“(Tên phiên âm) + công chúa”」, đa phần sau khi xuất giá mới có tên tước hiệu "Công chúa", thường lấy theo kiểu Quốc hiệu.

Về vấn đề kinh tế, các Hoàng nữ Vương nữ thụ phong "Công chúa" ở triều Nguyên được hưởng bổng lộc với hình thức "Thực ấp" song song với "Bổng lộc" cố định từ triều đình, dựa vào chế tài Oát Nhĩ Đóa với 3 hạng Ngũ hộ ti (五戶絲), Giang Nam hộ sao (江南戶鈔) và Tuế tứ (歲賜). Cách thức "Ngũ hộ ti" là cứ 5 hộ cho ra một đơn vị Ti (nghĩa là lụa), "Giang Nam hộ sao" là tiền thu từ các hộ dân vùng Giang Nam với đơn vị thỏi ("Đĩnh"; 錠) còn "Tuế tứ" là số tiền hoặc nhu yếu phẩm mà triều đình cung cấp hằng năm. Tùy vào từng địa vị của Công chúa, họ có được cả 3 loại, 2 loại hay chỉ 1 loại chu cấp trên. Bởi vì "Ngũ hộ ti" và "Giang Nam hộ sao" đều lấy đơn vị hộ để tính toán, nên cũng tùy người mà được điều chỉnh bao nhiêu, không có sự cố định, có người được hơn Vạn hộ, có người chỉ có mấy chục hộ.

Đến hai triều Minh-Thanh

Triều đại nhà Minh trên cơ bản đều dựa theo các triều trước mà cũng định ra quy phạm tước hiệu cho Hoàng nữ cùng Tông thất nữ, đặc biệt là cố định và tỉ mỉ hơn hẳn. Căn cứ theo Minh sử ghi lại, tước vị Hoàng nữ cùng Tông nữ triều Minh không dùng "Phẩm trật" để xét mà chỉ đơn thuần là thứ bậc[29]:

  • Hoàng cô (hoặc trên nữa) phong là Đại Trưởng công chúa (大長公主);
  • Hoàng tỷ muội phong là Trưởng công chúa (長公主);
  • Hoàng nữ phong là Công chúa (公主);
  • Con gái Thân vương phong là Quận chúa (郡主);
  • Con gái Quận vương phong là Huyện chúa (縣主);
  • Tôn nữ của Vương đều phong là Quận quân (郡君);
  • Tằng tôn nữ của Vương đều phong là Huyện quân (縣君);
  • Huyền tôn nữ của Vương đều phong là Hương quân (鄉君);

Việc đổi phong tước hiệu liên tục diễn ra ở thời Tống cũng được triều Minh hạn chế, ngoại trừ các vị Tào Quốc công chúa cùng Ninh Quốc công chúa là chị và con gái của Minh Thái Tổ, thì các Công chúa nhà Minh đa phần lấy tên quận làm phong tước, gần như không thấy việc dùng mỹ tự làm phong hiệu, còn từ tước “Quận chúa” trở xuống cơ bản vẫn dùng tên đất phong như đời Đường. Các xưng hô “Trưởng công chúa” cùng “Đại Trưởng công chúa” là tự động được Sách phong qua các đời Hoàng đế tùy theo vai vế so với Hoàng đế tại vị. Nhưng bởi vì tước hiệu cao nhất cho Hoàng nữ chỉ là “Đại Trưởng công chúa”, cho nên các "Hoàng tổ cô" so với Hoàng đế vẫn chỉ đạt được vị hiệu này. Trường hợp ấy ngoại trừ trường hợp Ninh Quốc công chúa, còn có hai con gái út của Minh Thái Tổ là Hàm Sơn công chúaBảo Khánh công chúa, cả hai vẫn là 「“Hàm Sơn Đại Trưởng công chúa”」 cùng 「“Bảo Khánh Đại Trưởng công chúa”」 dưới thời Minh Tuyên Tông, dù vai vế của hai bà đã là hàng "Tổ cô" so với Tuyên Tông, Hàm Sơn công chúa còn sống đến thời Minh Anh Tông và vẫn là "Đại Trưởng công chúa" như cũ[30]. Các bậc “Quận chúa” trở xuống, khi thụ sách chỉ nhận Cáo phong, không nhận Kim sách như các Công chúa.

Chế định bổng lộc của Hoàng nữ cùng Tông nữ triều Minh cũng quy định theo chu cấp định kỳ từ triều đình như triều Tống đã làm, chi ra từ triều đình với đơn vị là thạch, không cố định ở ăn lộc tại "Thực ấp" như các đời Đường về trước. Theo quy định thời Hồng Vũ, Hoàng nữ trong cung chia ra chưa thụ phong và đã phong; đã thụ phong tước "Công chúa" thì được ban 1 điền trang thu vào hàng năm 1.500 thạch và 2.000 quan tiền, còn chưa thụ phong thì có số tơ lụa, quần áo và vải vóc. Các vị Tông thất Vương nữ; chưa thụ phong thì án theo mức Hoàng nữ chưa thụ phong mà giảm 1 nửa, đã thụ phong hoặc xuất giá thì 1.000 thạch và 1.400 quan tiền[31]. Từ sau đời Hồng Vũ, quy định cho các “Công chúa” hưởng lộc cố định đều tầm 2.000 thạch, thì “Quận chúa” trở xuống cố định ở 800 thạch giảm dần. Thạch là đơn vị đo lường cổ, thường chỉ trọng lượng gạo, đây là đơn vị lương bổng được thời Hán sử dụng và nhà Minh phục quốc đã theo chế độ này[32]. Vào thời điểm đó, gạo có thể dùng để trao đổi rất nhiều thứ khác, quan trọng hơn là thứ nuôi sống được nhiều hộ dân cư một cách thực tế, do đó nó cũng trở thành một giá trị kinh tế, tùy thời mà có sự chênh lệch nhất định. Ngoài bổng lộc là gạo, triều đình cũng sẽ thường chu cấp những thứ giá trị khác như bạc, xâu tiền hay thớt lụa, thông thường là khi có dịp cần ân ban gia tặng. Nhìn chung tất cả đãi ngộ của Hoàng nữ và Tông nữ triều Minh cũng đều theo phương thức 「"Vĩnh viễn kém nam giới hoàng tộc"」 như các triều trước. Từ sau thời Hồng Vũ thì Thân vương đã 10.000 thạch, trong khi ban đầu thì các Thân vương đã khoảng 50.000 thạch, bên cạnh đó vì vấn đề kinh tế mà về sau đãi ngộ các Thân vương cùng Quận vương cũng giảm dần, các Hoàng nữ Tông nữ vốn không bằng họ tự nhiên cũng giảm xuống theo. Nơi ở của Công chúa so với thời Tống thì đã được quy định lại, tức đều được gọi là "Phủ đệ" mà không còn là "Trạch" như đời Tống nữa[33].

Thời Hậu Kimnhà Thanh sơ kỳ chưa nhập quan, các Hoàng nữ cùng Tông nữ đều có danh xưng Cách cách, cụ thể con gái các Hãn là 「"Cố Luân cách cách"; 固倫格格」, còn con gái của các tước Hòa Lạc Thân vương là 「"Hòa Thạc cách cách"; 和碩格格」, Đa La Quận vương là 「"Đa La cách cách"; 多囉格格」. Sau khi Thanh triều nhập quan chiếm được Bắc Kinh, cũng thay đổi chế độ phong hiệu, Hoàng nữ đều lấy danh xưng truyền thống “Công chúa” của các triều trước, nhưng lại chia ra hai thứ bậc khác biệt:

  • Cố Luân công chúa (固倫公主): ban cho con gái do Hoàng hậu sinh ra. Chữ 「Cố Luân」trong tước hiệu có nghĩa là "Thiên hạ" trong tiếng Mãn.
  • Hòa Thạc công chúa (和碩公主): ban cho con gái do các Phi tần sinh ra. Chữ 「Hòa Thạc」trong tước hiệu có nghĩa là "Tứ phương" trong tiếng Mãn.

Phong hiệu của các vị Công chúa triều Thanh đều lấy mỹ tự mà không phải tên quận huyện hay tên Tiểu quốc như các đời, ngoài ra tuy phong hiệu được viết theo mặt chữ Hán nhưng nghĩa lại theo Mãn ngữ. Bên cạnh đó, chữ “Cố Luân” trong Mãn ngữ có nghĩa là quốc gia thiên hạ, nên cũng có việc khi ghi chữ Hán thì lại ghi thành 「“Quốc công chúa”」, như bia mộ của Cố Luân Vinh Hiến Công chúa là ví dụ. Ban đầu, phong hiệu được đặt trước tước hiệu “Công chúa”, ví dụ như Hoàng tam nữ của Càn Long Đế, được ghi lại là 「"Cố Luân Hòa Kính công chúa"」. Bắt đầu từ Gia Khánh, và chính thức là thời Đạo Quang, phong hiệu của tước Công chúa được đặt ở đầu tiên, mà vị hiệu "xx Công chúa" lại đi liền nhau, như lấy tiếp Hòa Kính công chúa làm ví dụ, sẽ được ghi thành 「"Hòa Kính Cố Luân công chúa"」. Bên cạnh Hoàng nữ, triều Thanh cũng có lệ định tước hiệu cho Tông nữ rất bài bản. Căn cứ quy định năm Thuận Trị thứ 17, tước hiệu Tông nữ đều dựa vào chế độ triều Minh:

「"Công chúa ở trong cung, do Hoàng hậu sinh ra gọi là Cố Luân công chúa, do Phi sinh ra gọi là Hòa Thạc công chúa. Tông thất nữ từ nhỏ được nuôi trong cung, khi hạ giá cũng gọi Hòa Thạc công chúa. Con gái Thân vương phong Quận chúa, con gái Quận vương phong Huyện chúa, con gái Bối lặc phong Quận quân, con gái Bối tử phong Huyện quân, con gái Bất nhập bát phân Trấn Quốc công cùng Phụ Quốc công tắc đều phong Hương quân"」[Chú 6].

Nhưng là lúc này, trừ bỏ Hoàng nữ được phân chia "Đích-thứ" phân biệt dựa theo tước hiệu “Cố Luân công chúa” hoặc “Hòa Thạc công chúa”, thì Tông nữ khi Cáo phong cũng không phân chia "Đích-thứ" riêng biệt. Khang Hi Đế vào năm Khang Hi thứ 45 ra chỉ định:

  • 親王以下入八分公以上側福晉、側室所生女,與嫡齣一例授封,實為過優。嗣后,親王側福晉所生女,降二等,視貝勒嫡女,授為郡君。郡王側福晉所生女,降二等,視貝子嫡女,授為縣君。貝勒側伕人所生女,降二等,視鎮國公嫡女,授為鄉君。至貝子鎮國公輔國公側室所生女,併無應降品級,將貝子側伕人所生女食五品俸,鎮國公輔國公側伕人所生女食六品俸,其馀併稱宗女,不授封。
  • Từ tước Thân vương đến Bất nhập bát phân công, con gái do Trắc Phúc tấn hay Trắc thất sinh ra, cùng con gái Đích xuất đồng loạt được thụ phong, như vậy là quá ưu đãi. Về sau, con gái do Thân vương Trắc Phúc tấn sinh ra, án xuống 2 cấp, như Đích nữ của Bối lặc mà đều phong Quận quân. Con gái do Quận vương Trắc Phúc tấn sinh ra, án xuống 2 cấp, như Đích nữ của Bối tử mà thụ phong làm Huyện quân. Con gái của Bối lặc Trắc Phu nhân sinh ra, án xuống 2 cấp, như Đích nữ của Trấn Quốc công mà thụ phong làm Hương quân. Còn như con gái của Trắc thất của các Bối tử và Phụ Quốc công thì chỉ đãi bổng án mà không nên có phẩm cấp. Con gái do Trắc thất của Bối tử sinh ra án theo bậc Ngũ phẩm, riêng con gái do Trắc thất của Phụ Quốc công sinh ra đãi bổng Lục phẩm. Chỉ gọi là Tông nữ, không thụ phong.

Vào đời Thanh, trừ tước hiệu “Công chúa” nhận Sách phong nên có phong hiệu, còn các “Quận chúa” trở xuống chỉ có tước mà không có phong hiệu, nhận Cáo phong. Nhưng vô luận là Hoàng nữ hay Tông nữ, việc gia phong tước hiệu đều chỉ diễn ra khi kết hôn. Ngoài ra ở đời Thanh, dù vai vế ra sao, từ Thuận Trị trở đi thì vẫn xưng phong hiệu đã ban cùng vị hiệu “Cố Luân công chúa” hoặc “Hòa Thạc công chúa”, các xưng hô theo vai vế như “Trưởng công chúa” tuy vào đời Thuận Trị và đầu Khang Hi còn thấy sử dụng, nhưng đời sau căn bản đã biến mất. Khác với các triều trước, các Hoàng nữ đời Thanh chỉ khi xuất giá mới được định vị hiệu “Cố Luân công chúa” hoặc “Hòa Thạc công chúa”, rồi tiến hành chọn phong hiệu, nên từ khi sinh ra đến khi lớn lên, các Hoàng nữ được gọi theo thứ tự kèm tước xưng “Công chúa”, như Cố Luân Hòa Hiếu công chúa là xếp thứ 10 trong hàng con gái của Càn Long Đế, nên trước khi xuất giá được người trong cung gọi 「“Thập công chúa”」, văn bản ký lục cũng chép chính thức. Việc này cũng xảy ra đối với Tông nữ, ngoại trừ tước “Công chúa”, thì từ “Quận chúa” trở xuống vẫn có phiên âm theo lối Mãn văn, như “Quận chúa” mà nói thì được phiên thành 「Hosoi i gege」, tức “Hòa Thạc cách cách”. Vì lý do này, các Tông nữ vẫn thường có nhã xưng là “Cách cách” từ nhỏ dù họ vẫn chưa đủ tuổi được duyệt phong tước hiệu.

Cũng như các đời trước, triều Thanh vẫn xảy ra việc Tông nữ lại thụ phong tước hiệu “Công chúa” của Hoàng nữ, đây đã được biên chế ngay từ thời Thuận Trị qua chỉ dụ năm thứ 17 với câu: 「Tông thất nữ từ nhỏ được nuôi trong cung, khi hạ giá cũng gọi Hòa Thạc công chúa」. Tuy việc Dưỡng nữ thành “Hòa Thạc công chúa” không hiếm ở đời Thanh, nhưng lại ít việc Dưỡng nữ lại thụ phong “Cố Luân công chúa”. Xét cả đời Thanh, chỉ ba vị Dưỡng nữ thụ phong “Cố Luân công chúa”, trong đó chỉ có một được trực tiếp thụ phong, đó là trường hợp Trưởng nữ của Cung Trung Thân vương Dịch Hân, hai trường hợp kia đều một thời gian là “Hòa Thạc công chúa” rồi mới thăng lên. Sau sự kiện Chính biến Tân Dậu, Trưởng nữ của Dịch Hân được Từ An Thái hậuTừ Hi Thái hậu ra chỉ nhận nuôi, do đó đầu thời Đồng Trị được thụ phong vị hiệu “Cố Luân công chúa” với tư cách là con gái của Thái hậu, Hoàng đích nữ của hoàng thất. Về sau Dịch Hân dâng tấu khiêm nhường nên thu hồi, tuy triệt đi vị hiệu là “Cố Luân công chúa” nhưng vẫn giữ lệ cấp của Công chúa, do đó đặc ban phong hiệu là “Vinh Thọ công chúa”, một trường hợp độc nhất vô nhị khi không có vị hiệu mà lại có phong hiệu. Đến thời Quang Tự, Vinh Thọ công chúa chính thức trở thành 「Vinh Thọ Cố Luân công chúa」.

Tranh vẽ Cố Luân Hòa Hiếu công chúa - "Thập công chúa", con gái thứ 10 của Càn Long Đế.

Cũng như các triều trước, đãi ngộ của Hoàng nữ Công chúa đời Thanh so với các Hoàng tử vẫn là kém hơn hẳn, trong khi Hoàng tử Vương dễ dàng đến 10.000 lượng bạc, tước Bối tử cũng là hơn 1.000 lượng bạc, thì các vị Hoàng nữ Công chúa - với tiêu chuẩn cao nhất là gả cho Mông Cổ vương công - cũng chỉ đạt đến con số 1.000 lượng bạc. Còn như bình thường, Cố Luân công chúa gả trong kinh sư đạt 400 lượng bạc và 400 hộc gạo hằng năm, Hòa Thạc công chúa đạt 300 lượng bạc và 300 hộc gạo hằng năm. Các vị Ngạch phò tuy cũng có lương bổng, nhưng đều chưa đến 500 lượng bạc. Những Tông nữ không được phong, không có bổng lộc, trong một số tình huống đặc thù có thể xin trợ cấp như quả phụ hoặc mồ côi, một tháng được 2 lượng bạc, một năm được 24 lượng bạc. Căn cứ theo nghiên cứu khoa học của Phó giáo sư Đại học Nhân dân Trung Quốc là Mao Lập Bình (毛立平) khi tìm hiểu về Phủ đệ các Công chúa triều Thanh[34], việc thu nhập chênh lệch giữa Hoàng nữ và Hoàng tử đã khiến một đại lượng Công chúa phủ triều Thanh phải lâm vào cảnh thâm hụt trầm trọng. Người có được thiện đãi nhất triều Thanh, Cố Luân Hòa Kính công chúa, sinh thời những gì Càn Long Đế ban cho bà đều được quy định là tiêu chuẩn của "Cố Luân công chúa" triều Thanh từ đó về sau, thế nhưng bà vẫn chịu cảnh thâm hụt chi tiêu đáng sợ. Mấu chốt của vấn đề, theo bài nghiên cứu của Mao Lập Bình, chính là đãi ngộ lương bổng của các Hoàng nữ Công chúa căn bản quá thấp. Cùng là Phủ đệ hoàng gia với mức quan viên tương đương nhau, nhưng tước "Thân vương" mỗi năm có 10.000 lượng bạc cùng 10.000 hộc gạo, tước "Quận vương" cũng tới 5.000 lượng bạc và 5.000 hộc gạo. Xét với mức cao nhất của các Hoàng nữ thụ phong "Công chúa" khi gả xa chỉ có thể đạt được 1.000 lượng bạc, quả thật khác nhau quá lớn.

Như vậy cùng một hệ thống "Phủ đệ" dành cho thành viên hoàng gia, Vương phủ và Công chúa phủ, nhưng mức lương của người đứng đầu lại có chênh lệch quá lớn, đó là chưa đề cập việc Hòa Kính công chúa trong cả đời được vô số lần ban thưởng và có đầy khoản thu thêm do Càn Long Đế ban xuống, căn cứ theo tài liệu Nội vụ phủ thống kê thì lên đến 80.600 lượng bạc, hơn bất kỳ Công chúa nào khác của triều Thanh. Tuy nhiên, chưa tính hai dịp lễ tiết tốn nhiều chi phí nhất là Hôn lễ và Tang lễ trong phủ, những vấn đề về lương thực và lương bổng cho thuộc nhân đã khiến Hòa Kính công chúa phủ phải chi ra hơn 10.000 lượng bạc mỗi năm, mà cộng tất cả các khoảng hằng năm thì Hòa Kính công chúa phủ thu về hơn 8.000 lượng bạc, đây cũng chính là lý do tại sao dù có thiện đãi lớn nhưng phủ đệ của Hòa Kính công chúa vẫn chịu thâm hụt. Bên cạnh đó, quan viên ở Công chúa phủ rất khó lên chức. Bởi vì sự vụ trong Phủ đệ thành viên hoàng thất đều phải do quan viên quản lý, cụ thể là chức Trưởng sử, cao nhất là quan hàm Tam phẩm. Nhưng chế độ Công chúa phủ không được chính danh như Vương phủ, quan làm việc cũng là dạng kiêm nhiệm, nên tình trạng cẩu thả trong Công chúa phủ là cực kỳ dễ xảy ra, quyền hành không cao, không có đường thăng tiến bằng quan viên Vương phủ.

Trái ngược với mức đãi ngộ chênh lệch giữa Hoàng nữ so với Hoàng tử, từ xa xưa địa vị của Hoàng nữ Tông nữ trong xã hội quân chủ lại được duy trì cao hơn tất cả, và triều Thanh cũng không ngoại lệ. Chế độ nhà Thanh đem Ngạch phò trở thành thành viên hoàng thất, mà không cho Công chúa thành người nhà của gia đình Ngạch phò, do vậy khi gặp Công chúa thì cả Ngạch phò lẫn cha mẹ của Ngạch phò đều phải quỳ xuống. Cứ như thế, Ngạch phò trên thân phận "Tôi thần" cả đời là 「Vật sở hữu」 của Công chúa, tiền lương đều đưa trực tiếp cho Công chúa, Ngạch phò chỉ là phu quân hưởng lợi. Khi các Công chúa qua đời, tư trang khi trước đến quan viên theo hầu cũng đều phải chuyển về cho Nội vụ phủ. Đời Đạo Quang, xét thấy việc Ngạch phò và cha mẹ Ngạch phò phải quỳ lạy Công chúa quả thật có ép người ép lý quá mức, cho nên miễn phải quỳ khi gặp Công chúa, thế nhưng điều này cũng không khiến Công chúa phải quỳ hành lễ Ngạch phò và cha mẹ Ngạch phò[35][36].

Có thể thấy dù bị đối xử bất công so với các Hoàng tử Tông thân, thế nhưng chính vì "Quân quyền" mà các Hoàng nữ Công chúa qua các triều đại vẫn có địa vị ưu việt trong xã hội, họ không bị ảnh hưởng bởi "Phu quyền" (quyền của người chồng) như các phụ nữ khác. Không tính những kiểu nhờ là Thê thiếp hoặc Đích/Sinh mẫu của Hoàng đế mà ở trên cao như Hậu phi trong cung, thì các vị "Công chúa" là những dạng phụ nữ có địa vị tôn quý nhất trong xã hội quân chủ.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Hoàng nữ http://www.atlaswalisongo.com/2015/06/sunan-ampel-... http://www.chiangmai-chiangrai.com/ayutthaya19.htm... http://www.informatik.uni-leipzig.de/~duc/sach/dvs... http://www.informatik.uni-leipzig.de/~duc/sach/dvs... http://sillok.history.go.kr/id/kda_10402016_003 http://sillok.history.go.kr/id/kda_10610007_003 http://sillok.history.go.kr/id/kda_11009024_005 http://sillok.history.go.kr/id/kea_10202028_003 https://www.thepaper.cn/newsDetail_forward_1330842 https://books.google.com/books?id=a5YntZEIUHMC&q=p...